Quá trình hình thành cộng đồng dân cư Vũ Chính

Với lịch sử hình thành vùng đất khoảng gần trên dưới 1.000 năm, cộng đồng cư dân xã Vũ Chính được hình thành từ quá trình chuyển cư liên tục từ  nhiều địa phương ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh Bắc Trung Bộ, chủ yếu là các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương và một số địa bàn của tỉnh Thái Bình.

         Vào thế kỷ thứ X, khi Tiền Ngô vương Ngô Quyền mất (năm 944), các sứ quân nổi lên cát cứ, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Trên địa bàn của tỉnh Thái Bình lúc này có sứ quân Trần Lãm chiếm cứ vùng Bố Hải Khẩu - là vùng đất rộng lớn với địa bàn trung tâm là khu vực phường Kỳ Bá ngày nay cách xã Vũ Chính khoảng gần 3 km. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho Trấn Đông Tiết độ sứ Bùi Quang Dũng về đóng ở thành Kỳ Bố đưa dân đến khai hoang. Mùa xuân năm 1038 (năm Mậu Dần) vua Lý Thái Tông “ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền”, các tư liệu lịch sử này khẳng định vùng đất Kỳ Bá trong thế kỷ thứ X, XI là vùng dân cư trù phú, kinh tế nông nghiệp phát triển. Căn cứ theo dân gian câu ca lưu truyền ca ngợi công lao của Trấn đông Tiết độ sứ Bùi Quang Dũng “Mừng nay trong cõi hải tần/ Giặc ma đã dẹp, cá thần cũng xuôi” thì rất có thể vùng đất các xã Vũ Chính, Vũ Phúc và một số xã ngoại vi của Thành phố Thái Bình trong khoảng 1.000 năm trước vẫn là vùng thường xuyên bị ngập nước, cư dân chỉ tiến hành các hoạt động mưu sinh chứ chưa định cư ổn định. Trong những năm 70, 80 của thế kỷ XX, tại địa bàn thôn Lạc Chính của xã Vũ Chính, nhân dân trong quá trình cải tạo ruộng đồng thu thập được một số hiện vật binh khí từ thời kỳ sứ quân Trần Lãm, có thể coi là những dấu tích đầu tiên của quá trình khai phá thiên nhiên của con người trên địa bàn Vũ Chính.

         Trong khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XV, cùng với quá trình gia tăng dân số và chính sách khai hoang của các triều đại phong kiến Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, cư dân vùng Bố Hải khẩu cũ tiếp tục tiến dần về phía đông nam, mở rộng địa bàn cư trú. Vùng đất Vũ Chính ngày nay cho đến thế kỷ XIII, XIV có thể đã có cư dân định cư, cấy trồng ổn định. Tuy nhiên, có lẽ dân cư sinh sống thưa thớt nên chưa được lập thành làng ấp, địa bạ triều đình phong kiến không ghi chép lại.

Qúa trình hình thành cộng đồng cư dân trên mảnh đất Vũ Chính phải từ sau thế kỷ XVI, khi các dòng họ với gia phả ghi chép đầy đủ mới có thể khẳng định được sự tồn tại chính thức. Họ Vũ ở thôn Vũ Trường, họ Nguyễn Đình ở Hòa Hải, họ Phùng ở thôn Đông Hải, họ Phạm ở thôn Đông Hải và thôn Trấn Tây đều ghi chép nơi phát tích của dòng họ là từ Tông Chàng[1], Thanh Hóa, do tránh nạn giặc giã mà chuyển cư đến vùng đất này khai phá đất hoang, mở làng lập ấp. Về công lao khai phá đất đai ở khu vực phía tây đường 223, đến ngày nay vẫn lưu truyền câu tổng kết ngắn gọn: “Nhất Phạm, nhì Phan, tam Trần, tứ Nguyễn”. Họ Phạm ở Vũ Chính đến nay ước chừng gần 500 năm, được coi là dòng họ đầu tiên chính thức định cư lâu dài trên mảnh đất Tống Văn (Tống Vũ Nam Thôn). Tiếp đó là các họ Phan (1632), họ Trần (năm 1681), họ Nguyễn Xuân (1751) [2]. Buổi đầu mở làng, lập ấp, tổ tiên các dòng họ tại lấy tên làng là “Tông”, có ý nghĩa tưởng nhớ về cội nguồn quê hương Tông Chàng. Lạc Chính gắn liền công lao khai phá của dòng họ Tống, họ Trịnh, khoảng cuối thế kỷ XVII, cụ tổ của dòng họ Tống từ huyện Nam Ninh (tỉnh Nam Định) đã về mảnh đất này định cư và cùng với họ Trịnh lập nên làng Tham Chính (sau đổi thành Lạc Chính). Từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, trước những biến động của tình hình đất nước, cư dân từ nhiều địa phương tiếp tục di cư đến vùng đất này, hình thành lên cộng đồng cư dân có hàng chục dòng họ.

Cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, địa bàn Vũ Chính ngày nay có khoảng 3.500 nhân khẩu. Hai xã Tống Văn và Tống Vũ có dân số lớn, diện tích rộng, nên dưới cấp xã có các xóm nhỏ theo ý thức phân định do nhân dân tự đặt ra. Xã Tống Văn có các xóm: Đông (nay là khu vực xóm 6 - thôn Tống Văn), xóm Giữa (nay là khu vực xóm 7 thôn Tống Văn và một phần của thôn Quyến), xóm Tây (tương ứng với các thôn Nam Hùng, Trấn Tây và khu vực chùa Chanh thuộc thôn Trung Hòa). Xã Tống Vũ có các xóm Vũ ấp (nay là thôn Vũ Trường và Tổ dân phố số 2), xóm Đông (nay là thôn Đông Hải), xóm Giữa[3] (nay là thôn Hòa Hải), xóm Tây (nay là thôn Tây Sơn và Tống Vũ). Do dân số đông, lại là những xã có mặt bằng kinh tế, văn hóa, giáo dục cao hơn mức trung bình toàn tỉnh, nên tại ba xã có một số gia đình rời quê hương đi làm ăn, buôn bán tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, đồng thời, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến một số người bị áp bức, bóc lột cùng cực phải bỏ làng đi làm phu mỏ ở Quảng Ninh. Trong nạn đói năm Ất Dậu 1945, dân số 3 xã bị suy giảm nghiêm trọng, khoảng 1/3 dân số chết đói, một bộ phận nhân dân phiêu tán đi các nơi.

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1949), địa bàn Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính chưa bị tiến công, chiếm đóng, do vậy, địa phương có thêm một số lượng cư dân là đồng bào các tỉnh tản cư chiến tranh, trong đó có nhiều gia đình con em địa phương đã rời làng từ trước và trong năm 1945. Cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, dân số Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã phục hồi với mức trước năm 1945. Thôn Tống Văn lúc này gồm xóm: Đông A, Bắc Quyết, Nam Hùng, Trung Hòa, Trấn Tây. Thôn Tống Vũ gồm 4 xóm Vũ Trường, Đông, Giữa, Tây.

Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc (1954), đời sống kinh tế và y tế được cải thiện, dân số địa phương tăng nhanh. Bên cạnh việc tăng dân số cơ học, Vũ Chính là địa bàn gần trung tâm tỉnh lỵ, tiếp tục đón nhận một bộ phận dân cư từ các địa phương trong tỉnh, trong đó có nhiều người là cán bộ nhà nước được bố trí định cư trên địa bàn xã. Đồng thời trước sức ép lớn về dân số, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bố trí lại dân cư và lao động trên địa bàn cả nước, Đảng ủy, chính quyền địa phương trong các năm 1965-1966, 1976-1978 đã nhiều lần tổ chức đưa một bộ phận nhân dân trong xã đi tham gia xây dựng kinh tế mới, xây dựng tiềm lực quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), Bắc Thái (nay là Bắc Kạn), Đắc Lắc, Kiên Giang.... Cho đến năm 1982, khi địa giới hành chính được ổn định, dân số của xã có trên 7.000 người, lúc này được tổ chức thành 14 đội sản xuất - dân cư.

Sau khi có chỉ thị khoán 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), hợp tác xã và các đội sản xuất không trực tiếp lãnh đạo sản xuất. Ngày 05/3/1990, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 54/QĐ-UB về việc thành lập xóm với vai trò là cấp giúp việc cho xã. Thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, đội sản xuất được đổi thành xóm. Toàn xã năm 1990 có 15 xóm, trong đó các xóm 1, 2, 3, 4, 5 là các đội sản xuất cũ của hợp tác xã Tống Vũ, các xóm 6, 7, 8 9, 10, 11, 12, 13, 14 là các đội sản xuất cũ của hợp tác xã Thống nhất. Xóm 15 gồm cán bộ, công nhân viên chức của tỉnh, thị xã và một số hộ gia đình phi nông nghiệp của địa phương được bố trí định cư.

Năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 65/2002/QĐ-UBND về việc tổ chức lại cấp giúp việc trực tiếp cho xã là thôn. Xã Vũ Chính là địa bàn thuộc thành phố, có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua khu dân cư, trong các năm 2003-2004, hệ thống khu dân cư của xã được tổ chức lại theo 2 mô hình: tổ dân phố (2 đơn vị) và thôn (12 đơn vị). Theo đó, toàn bộ xóm 15 được đổi thành tổ dân phố số 1; một bộ phận xóm 1 và xóm 2 (mặt đường Hoàng Văn Thái - 39 B) hình thành tổ dân phố số 2. Các xóm còn lại được đổi thành thôn, một số xóm không đủ quy mô 500 nhân khẩu phải sáp nhập cùng các xóm khác: Phần còn lại của xóm 1 đổi thành thôn Vũ Trường; Phần còn lại của xóm 2 đổi thành thôn Đông Hải; xóm 3 đổi thành thôn Hòa Hải; xóm 4 đổi thành thôn Tây Sơn; xóm 5 đổi thành thôn Tống Vũ; xóm 6 và xóm 7 sáp nhập thành thôn Tống Văn; xóm 8 đổi thành thôn Nam Hùng; xóm 9 và xóm 10 sáp nhập thành thôn Trấn Tây; xóm 11 đổi thành thôn Quyến; xóm 12 đổi thành thôn Trung Hòa; xóm 13 đổi thành thôn Lạc Chính; xóm 14 đổi thành thôn Tiên Sơn.

Đến năm 2015, dân số toàn xã Vũ Chính có 3.694 hộ với 12.894 nhân khẩu[4] là một trong những đơn vị hành chính cấp cơ sở có quy mô dân số lớn hàng đầu của tỉnh Thái Bình[5].


[1]. Tông Chàng thuộc huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa nội trấn, nay thuộc Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

[2]. Các dòng họ này đến nay đều có dân số đông, trong đó họ Nguyễn Xuân có quy mô lớn nhất, chiếm khoảng 10% dân số cả xã.

[3] Còn gọi là xóm Quai Võng

[4]. Dẫn theo hồ sơ đề nghị xét công nhận xã Vũ Chính đạt chuẩn nông thôn mới.

[5]. Quy mô dân số xã gấp 2 lần quy mô bình quân của tỉnh Thái Bình, mật độ dân số là 2.192 người/km2, gấp hơn 1,7 lần bình quân toàn tỉnh và gấp gần 8 lần bình quân cả nước.